Mỗi một loại hoa có phương pháp bảo quản cũng như bao gói, vận chuyển khác nhau. Sự tổn thương đối với hoa cắt có thể do các yếu tố trước thu hoạch: thời tiết, phân bón, sâu bọ, bộ gặm nhấm và các điều kiện canh tác; Các yếu tố thu hoạch, bao gồm việc thu hoạch không tốt và kỹ thuật thu hái, đặc biệt là các yếu tố sau thu hoạch, bao gồm cả việc bao gói phía trên và phía dưới; Bao gói không tốt, va đập do chuyên chở, tốc độ chuyên chở và cách sắp xếp… Chính từ những tổn thương này dẫn đến hoa nhanh chóng bị héo, thời gian sử dụng cũng như giá trị thương phẩm giảm. Ngoài ra, việc bảo quản hầu hết dựa vào kinh nghiệm của người dân nên độ bền của hoa rất thấp, thời gian cắm hoa, giữ hoa ngắn, hoa thường bị thối, dập nát, tỷ lệ hư hỏng nhiều, gây tâm lý không tốt đến người sử dụng, gây thiệt hại cho người sản xuất và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu hoa cắt. Do đó, việc nghiên cứu bảo quản, bao bì bao gói, vận chuyển hoa cắt cần được quan tâm.
Để ngành trồng hoa thực sự phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh việc đầu tư về giống, đưa các trang thiết bị kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, thu hái, thì cần quan tâm, coi trọng việc bảo quản hoa cắt sau thu hoạch. Nếu phương pháp bảo quản hoa tốt và phù hợp sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng hoa cắm sau này, kéo dài tuổi thọ của hoa cũng như phục vụ tốt cho việc xuất khẩu.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp bảo quản ra đời dựa trên việc làm giảm tác động của các yếu tố bất lợi đến chất lượng, tuổi thọ của hoa cắt sau thu hoạch. Các phương pháp chính để bảo quản hoa cắt gồm: Bảo quản lạnh; Bảo quản bằng điều chỉnh khí quyển; Bảo quản bằng áp suất thấp; Bảo quản bằng hóa chất.
1. Bảo quản lạnh
Đây là phương pháp thông dụng và phổ biến nhất, có thể áp dụng cho nhiều loại hoa. Nhiệt độ thấp có tác dụng làm giảm hô hấp và các hoạt động trao đổi chất khác, giảm thoát hơi nước, giảm sự sản sinh cũng như tác động của ethylen, đồng thời ức chế sự sinh trưởng phát triển của nấm, khuẩn. Các loại hoa cắt có nguồn gốc ôn đới như: cẩm chướng, loa kèn, thược dược,... yêu cầu nhiệt độ ở 0 - 10C. Các loại hoa cắt có nguồn gốc nhiệt đới và Á nhiệt đới rất mẫn cảm với hư hỏng lạnh, nên đòi hỏi nhiệt độ bảo quản cao hơn: lay ơn (2-40C), lan (7-100C),...
Kho lạnh để tồn trữ là nhà một tầng trên mặt đất. Ngoài các phòng tồn trữ, kho còn có phòng máy, phòng bao gói và phụ trợ. Kho có thể có hoặc không có hệ thống kiểm soát khí quyển.
2. Bảo quản trong khí quyển kiểm soát (CA)
Nguyên tắc của phương pháp này là sự điều chỉnh 3 thành phần trong khi bảo quản: nhiệt độ, O2 và CO2 theo hướng giảm nhiệt độ, giảm nồng độ O2 và tăng nồng độ CO2 . Tùy theo loại giống mà nồng độ cacbonic, oxi sẽ khác nhau. Phòng tồn trữ kín, có hệ thống thông gió và cung cấp các khí oxi, nitơ, cacbonic, với thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ các khí trên một cách tự động. Vì tất cả các thông số trên được đo và kiểm soát nên phương pháp này được gọi là phương pháp bảo quản trong khí quyển kiểm soát. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thiết bị đắt tiền, chi phí tồn trữ cao và thay đổi theo giống, loại hoa nên ít được phổ biến.
3. Bảo quản trong khí quyển cải biến (MA)
Hiện nay, người ta còn dùng túi chất dẻo như polyetylen (PE) để bọc hoa vào trong túi rồi chuyển vào kho lạnh để bảo quản. Trong túi kín, khí quyển của túi bị thay đổi do hô hấp của hoa chứa trong đó nên gọi là phương pháp bảo quản bằng khí quyển cải biến.
4. Bảo quản hoa cắt trong môi trường áp suất thấp
Áp suất thấp có tác dụng giảm nồng độ O2. Do đó, các quá trình hô hấp, trao đổi chất, sự sản sinh và tác động của ethylen đều giảm.
5. Bảo quản bằng hóa chất
Hoa cắt có thể kéo dài tuổi thọ được thông qua dung dịch cắm hoa. Các chất dinh dưỡng, chất bảo quản có thể được bổ sung qua vết cắt ở cành hoa. Ngoài ra, hoa không phải là thực phẩm để ăn uống nên tác động của hoá chất bảo quản đến sức khỏe của con người, vật nuôi không đáng kể.
Các hóa chất thường sử dụng trong dung dịch cắm hoa gồm:
- Chất kháng sinh, kháng khuẩn
Chất này được dùng để ngăn cản vi khuẩn, nấm phát triển và hoạt động trong dung dịch cắm hoa. Các vi sinh vật này sẽ sản sinh ra etylen cùng các chất độc khác gây hại cho hoa. Đồng thời, chúng cũng làm nghẽn, tắc mạch dẫn trong cành hoa làm hoa không hút được nước và bị héo.
Thường dùng các chất kháng sinh, các hóa chất như AgNO3, KMnO4, hay SDIC (Sodium DichloroIso-Cyanurate) 8g/100l nước. Hoặc có thể dùng 8-HQC (8- Hydroxy Quinolen Citrate) 20g/100lit nước.
- Nguồn dinh dưỡng
Đường saccaroza là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu trong các chất bảo quản hoa thường dùng hiện nay. Đường là vật chất hô hấp, có tác dụng giúp hoa cắt kéo dài tuổi thọ và tăng chất lượng hoa. Dung dịch có đường thường được sử dụng theo hai cách:
Thứ nhất là nhúng nhanh trong thời gian ngắn: Dung dịch gồm có đường saccaroza nồng độ từ 2-20%, chất kháng sinh, axit. Cắm hoa trong thời gian ngắn (vài phút đến vài giờ) trước khi đem bán hay cắm bằng nước máy.
Thứ hai là cắm liên tục: Dung dịch gồm có 0,5-2% đường saccarroza, axit, chất kháng sinh. Loại dung dịch này rất thích hợp cho người tiêu dùng cắm hoa ở gia đình.
- Axit: Axit thường dùng là axit citric
- Chất kháng sự sản sinh và kháng tác động của etylen: Sử dụng phổ biến nhất là STS (silver thio sulphate). Ngoài ra, có thể dùng AgNO3, KMnO4, 1-MCP (1- MethylCycloPropane).
- Chất kích thích sinh trưởng
Khi bảo quản hoa ở nhiệt độ thấp, lá và cành thường bị biến vàng (do mất chlorophyl) làm giảm chất lượng hoa cắt. Có thể dùng các chất kích thích sinh trưởng như GA3, xytokinin để ngăn cản quá trình này, giữ màu xanh của lá, cành hoa. Đồng thời, đây là hai chất có tác dụng đối kháng với etylen nên có thể làm giảm tác động xấu của etylen, kích thích hoa nở đầy đủ.
Tất cả các phương pháp bảo quản đều tuân theo nguyên tắc chung là:
- Chất lượng hoa cắt đưa vào bảo quản phải khoẻ, có độ nở thu hái phù hợp.
- Trong quá trình bảo quản, phải điều khiển sao cho hoa có cường độ hô hấp thấp, cường độ thoát nước giảm, đảm bảo duy trì nguồn dinh dưỡng nuôi hoa, ngăn cản sự sản sinh ethylen, sự phát triển của nấm bệnh.
Bảo quản hoa hồng, hoa cúc trong kho mát
PGS.TS. Đặng Văn Đông
Viện Nghiên cứu Rau quả
Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay số 15+16 tháng 1+2/2019