Thứ ba, 14/08/2018, 9:59 GMT+7

An toàn đồ uống đóng hộp, trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng

Với thức uống đóng chai, hộp, lâu nay người tiêu dùng chưa hết lo ngại về độ an toàn khi các nhà sản xuất sử dụng chất phụ gia, nhất là nguy cơ nhiễm chất độc hại do thiếu kiểm soát trong quá trình sản xuất

Mới đây định 15/2018/NĐ-CP ra đời, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với sức khỏe người tiêu dùng. Liệu sản phẩm có thực sự an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng hay không khi trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm như vậy? Phóng viên Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

PV: Thưa ông, trong sản xuất thức uống đóng hộp, đều có sử dụng các chất phụ gia, ví dụ chất tạo màu, chất bảo quản...Các loại chất phụ gia này có tác động đến sức khỏe con người như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều, có đến 450 chất phụ gia khác nhau. Người ta cho chất phụ gia vào để cải thiện chất lượng sản phẩm, cái này Nhà nước cho phép và có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Nguyên tắc sử dụng chất phụ gia là phải theo đúng công thức, liều lượng quy định, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn. Ví dụ các hóa chất trong sản phẩm, các chỉ tiêu hóa học, sinh học và vật lý học...

Tuy nhiên, một chất không độc mà vẫn có thể gây độc hại cho con người nếu như sử dụng không đúng cách. Chúng ta ăn muối ăn hàng ngày nếu không kiểm soát liều lượng cũng có thể gây độc hại. Ăn mọi thứ thái quá đều không tốt. Các nhà sản xuất đảm bảo rằng, lượng chất phụ gia dùng trong sản phẩm đúng liều lượng, đúng quy định của Bộ Y tế cho phép, tức là nằm trong nồng độ an toàn, người tiêu dùng phải biết rằng không vì thế mà ăn, uống thoải mái, vô tội vạ.

Điều đáng nói là người tiêu dùng thường nhầm lẫn giữa hai câu chuyện về liều lượng, hàm lượng chất phụ gia đưa vào thực phẩm và số lượng chất đó ăn vào bao nhiêu trong một ngày, đêm. Đây là hai vấn đề khác nhau mà người tiêu dùng cần chú ý. Nghĩa là phải tính lượng chất phụ gia đi vào cơ thể trong 1 ngày, đêm là bao nhiêu để điều chỉnh cách ăn uống cho hợp lý. Tôi lấy ví dụ, rượu có thể lên đến 40 độ cồn, bia chỉ có 8 độ cồn. Nhưng có người uống rượu 40 độ cồn nhưng không say vì họ chỉ uống 1 chén thôi, lượng cồn vào cơ thể rất ít, mặc dù nồng độ cồn rất cao. Nhưng nếu uống 3 lít bia trong 1 bữa ăn thì có thể say đứ đừ, dù bia chỉ 8 độ cồn. Cho nên người tiêu dùng cần quan tâm tới việc, chất A được đưa vào trong sản phẩm, cho dù đúng liều lượng quy định, an toàn nhưng ăn sản phẩm đấy nhiều thì lượng chất phụ gia vào trong cơ thể quá nhiều và khi ấy nó mới gây độc hại. 

PV: Hiện nay, trên thị trường tràn làn các loại nước giải khát, liệu có loại nào không dùng chất phụ gia, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Các loại nước giải khát pha chế, đóng chai, hộp đều sử dụng chất phụ gia. Ví dụ nước cam đóng hộp thì không có nước cam vắt nguyên chất đâu, mà chủ yếu là cái chất giả nước cam, tức là người ta cho những chất phụ gia vào để tạo nên những cái giống tự nhiên. Người ta tạo nên cái chất đục như nước cam, mùi như nước cam. Nếu là nước cam, nước nho tự nhiên thì quá quý, nhưng những loại đó được sản xuất không nhiều, chỉ một số doanh nghiệp sản xuất. Mà ngay cả nước cam, nho tự nhiên đó, người ta vẫn phải cho chất phụ gia để giúp cho sản phẩm không bị biến màu, biến mùi...

Đối với nhà sản xuất, tốt nhất là ít sử dụng, sử dụng tới mức thấp nhất chất phụ gia. Và đối với người tiêu dùng thì nên chọn các sản phẩm tự nhiên. Vì sản phẩm tự nhiên vẫn là tốt nhất cho sức khỏe con người. Thực phẩm nói chung, đồ uống nói riêng khi đã dùng chất bảo quản, chất phụ gia đều không nên ăn nhiều. Ăn nửa cân thịt lợn tươi luộc có thể không vấn đề gì, nhưng nếu ăn nửa cân thịt hộp, có thể bị độc hại vì người ta đã cho những chất phi tự nhiên để có thời gian sử dụng lâu hơn. Ăn ít thì không sao, vì cơ thể con người có cơ chế tự đào thải. Còn nếu ăn nhiều, cơ chế tự đào thải quá tải, không tự đào thải được, sẽ đọng lại ở gan, thận. Cho nên tốt nhất, an toàn nhất là ăn thực phẩm tự nhiên, rau củ quả, nước quả.

PV: Thường khi nói một thức uống nào đó bị nhiễm độc, ví dụ nhiễm chì, không ít người tiêu dùng thường nghĩ “thủ phạm” rất có thể là chất phụ gia. Điều đó có đúng không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Chất phụ gia không phải là chất độc hại, được phép cho vào sản phẩm thực phẩm. Còn những chất không phải là chất phụ gia mà lại xuất hiện trong sản phẩm thì đó là những chất độc hại, không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ta gọi là chất nhiễm bẩn, như chì, thủy ngân...

PV: Không được phép sử dụng, nhưng trên thực tế thì một số chất độc hại, ví dụ như chì vẫn có thể xuất hiện trong thực phẩm là do đâu?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nó có mấy nguyên nhân, chủ yếu là do quá trình sản xuất không đảm bảo an toàn, khiến những chất không mong muốn này nhiễm vào sản phẩm. Có thể do người sản xuất không kiểm soát được nguồn nước, đó là nguyên nhân chính. Nước trong tự nhiên, nó chảy qua khắp nơi, qua cống, rãnh, lòng đất, nếu không xử lý tốt sẽ dễ bị nhiễm chất độc hại. Dó đó, phải xử lý nước, phải phân tích xem nước có những chất gì, sử dụng có an toàn theo tiêu chuẩn về chất lượng nước dùng cho thực phẩm của Bộ Y tế hay không.

Thứ hai, trong quá trình sản xuất mà hệ thống thiết bị không tốt, không đảm bảo chất lượng, ví dụ các thiết bị làm bằng kim loại, có thể bị han gỉ, gây nhiễm chì. Nếu doanh nghiệp sử dụng thép có chất lượng thấp, sau 1 thời gian bị han gỉ phôi ra các chất kim loại nặng, trong đó có chì. Hoặc có thể nhiễm chì từ môi trường bụi bẩn. Nếu nhà sản xuất không xử lý tốt tất cả mọi yếu tố để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm thì sản phẩm dễ bị nhiễm chất độc.

PV: Mà nhiễm độc chì rất nguy hại cho sức khỏe con người?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Chì là chất độc, ăn vào không chết ngay mà nhiễm độc dần dần, gọi là nhiễm độc trường nhiễm hay còn gọi là nhiễm độc tích lũy. Chì nhiễm vào cơ thể, vào máu, hủy hoại xương, gan, não….Ngành Y có thể tẩy chì ra khỏi cơ thể, nhưng rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

PV: Như vậy, nếu không cẩn trọng trong sản xuất, không quản lý chặt chẽ các khâu sản xuất thì khả năng nhiễm các chất độc hại là rất cao. Mới đây, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng lại càng lo lắng, liệu sản phẩm có thực sự được an toàn hay không khi trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm? Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nghị định đó ra đời đã mở ra một con đường rất tốt cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện các quy chuẩn và tự kiểm tra về công nghệ sản xuất. Điều này, nhiều nước trên thế giới đã làm. Và trên thực tế, cái quan trọng nhất đối với việc sản xuất hàng hóa là doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đến cùng chứ không phải các cơ quan chức năng của Nhà nước. Vì thế, nó đặt gánh nặng lên vai của doanh nghiệp, và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng, trước pháp luật.

Khi thành lập doanh nghiệp, muốn sản xuất mặt hàng thực phẩm, phải đăng ký chất lượng sản phẩm thì mới được phát triển sản xuất, lưu hành. Và trong suốt quá trình đó, doanh nghiệp tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm. Cho nên, từ ngày có nghị định 15/2018/ NĐ-CP ra đời, doanh nghiệp buộc phải đầu tư thiết bị để kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình. Trước kia, Nhà nước mang dụng cụ đến kiểm tra. Bây giờ, doanh nghiệp phải tự thiết kế, tự chế tạo, đầu tư thiết bị, dụng cụ để kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký.

Đối với sản phẩm thực phẩm thì không phải một người ăn mà nhiều người sử dụng. Nếu như sản phẩm có vấn đề không an toàn thì nó sẽ bị phản ứng trên diện rộng. Người tiêu dùng được quyền khiếu nại, khiếu kiện và đã có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, nếu quả nhiên như vậy thì sẽ xử lý ở các mức độ khác nhau. Thí dụ ngày 1/1/2017, kiểm tra, thấy rằng tốt nhưng đến 1/1/2018 mà xảy ra hiện tượng đấy thì người ta sẽ xử phạt doanh nghiệp từ 1/1/2017 đến 1/1/2018. Mức độ xử phạt rất nặng, thậm chí đến mức doanh nghiệp phải đóng cửa.

PV: Nhưng người tiêu dùng vẫn băn khoăn, rất có thể doanh nghiệp sẽ “tự tung, tự tác”, có thể cho ra những sản phẩm không an toàn, không đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu trước khi cơ quan chức năng xử lý và “chờ được vạ thì má đã sưng”?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Thực sự mà nói, theo NĐ15, doanh nghiệp tưởng rằng mình được thả lỏng nhưng trên thực tế lại là quá trình khép rất là chặt. Trước kia, ỷ lại Nhà nước kiểm tra xong là xong. Xong rồi có khi làm bừa. Bây giờ thì không thể làm thế được. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị. Nếu không có điều kiện trang bị thiết bị thì phải bỏ tiền ra thuê, định kỳ hoặc thường xuyên các đơn vị tư nhân, các cơ quan có các phòng thử nghiệm. Trước kia, chỉ Nhà nước mới được làm phòng thử nghiệm, bây giờ tư nhân phát triển rất nhiều các phòng thí nghiệm, kiểm tra và công bố điểm chất lượng. Và người kiểm tra, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước về kết quả kiểm tra.

Dưới sự giám sát của nhân dân, nếu phát hiện ra nguy hại của sản phẩm đối với người tiêu dùng sẽ phản ánh, thông tin đến các cơ quan chức năng và cơ quan điều tra phải vào cuộc ngay. Doanh nghiệp không thể nào gian dối được nữa, không như trước kia, sau khi Nhà nước đã kiểm tra xong, coi như là công đoạn cuối cùng, nếu có vấn đề gì xảy ra thì doanh nghiệp có thể thoái thác trách nhiệm rằng, “Nhà nước đã kiểm tra rồi, sản phẩm của tôi an toàn rồi”...Cuối cùng “trăm dâu đổ đầu tằm”, đổ lên đầu người tiêu dùng, phải tiêu thụ sản phẩm chất lượng kém. Bây giờ thì không phải như vậy nữa.

PV: Thế có nghĩa là người tiêu dùng được hưởng lợi từ nghị định này?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Người dân được hưởng lợi hoàn toàn. Và doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tối đa, được hoàn toàn “cởi trói”. Nhưng thực ra, “cởi trói” cho anh rồi lại “trói anh vào”, ‘trói” bằng sự tự chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình và lần “trói” lần này là một giải pháp tốt! Doanh nghiệp mới là người chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình chứ không phải Nhà nước chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ kiểm tra trong những trường hợp cần thiết, khi có sự phản ánh của người tiêu dùng hoặc định kỳ kiểm tra xem anh làm có đúng hay không!

Người tiêu dùng không phải lo lắng vì doanh nghiệp không thể tùy tiện. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lại hiểu không đúng rằng, vậy là mình muốn làm gì thì làm. Nghĩ thế là “tự sát”. Là vì, trước kia chỉ có 1 người được quyền kiểm tra, đó chính là cơ quan Nhà nước, bây giờ hàng nghìn người tiêu dùng sẽ là người kiểm tra, anh không thể trốn thoát trách nhiệm của anh được, nếu làm ăn gian dối, anh sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, bị pháp luật xử phạt.

Lâu nay, tồn tại nếp nghĩ, cứ dồn cho Nhà nước kiểm tra là an tâm. Thế nhưng, mặt trái của nó là, có những doanh nghiệp làm có tính chất đối phó, sau khi kiểm xong, rất có thể có những vi phạm, ỷ vào việc “đã được chứng nhận an toàn rồi”. Ấy là chưa kể có đơn vị đi kiểm tra, lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn của mình để nhũng nhiễu doanh nghiệp, mà không quan tâm đến sản phẩm có đạt chất lượng hay không. Nói người tiêu dùng được hưởng lợi là vì vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH HUỆ
Bản tin thử nghiệm ngày nay số 6 - Tháng 04/2018


CASE CẦN THƠ
Copyright © 2010-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 2245134 | Online : 4